Dòng sông trăm năm phù sa có màu nước biển
Đầu tháng 4.2020, gió chướng vẫn thổi lồng lộng, nước mặn trên sông Cổ Chiên vẫn cao ngất ngưởng tại lưu vực vàm Cái Mơn, cửa ngõ dẫn nước quan trọng vào nội đồng huyện Chợ Lách.
Dòng nước đục phù sa lặng lờ thường trực hơn trăm năm qua trên sông Vàm Mơn (là sông chính chảy trên địa bàn huyện Chợ Lách, nối sông Cổ Chiên với sông Hàm Luông) đã bị chuyển thành dòng nước trong xanh như biển cả.
Sông Vàm Mơn xanh trong như màu nước biển sâu, đây là hiện tượng mà hơn 100 năm qua chưa xuất hiện
|
“Kể từ khi tôi ý thức được cuộc sống này, dòng sông Vàm Mơn như “bầu sữa” vô tận của gia đình tôi và hết thảy những hộ dân nơi này. Nhà tôi không sử dụng nước dẫn từ các nhà máy. Nước từ sông Vàm Mơn chu cấp từ ăn uống, sinh hoạt trong gia đình đến tưới tiêu cho vườn ươm cây giống, vườn cây ăn trái. Nhưng, từ mùng 7 Tết Canh Tý 2020 đến nay nước trên sông Vàm Mơn mặn lè, trong vắt như nước biển sâu”, bà Lâm Thị Bé (58 tuổi, ngụ xã Phú Sơn, H. Chợ Lách) buồn hiu.Vì nước trên sông Vàm Mơn đã không còn sử dụng tưới tiêu được, hụt nước tưới nên hơn 5.000 cây mít giống siêu sớm của gia đình bà Bé đã thiệt hại quá nửa. Gia đình bà đã nỗ lực cứu bằng mọi cách nhưng không khá hơn.
Bà Lâm Thị Bé tìm mót lại trong những cây bỏ đi xem còn sống không để dưỡng ghép nhằm vớt vát chút đỉnh khi mùa mưa bắt đầu
|
“Nước ngọt từ sà lan về đến vườn nhà là mình phải trả đến 130.000 đồng/m3. Vậy mà gia đình tôi cũng phải trả đến hơn tháng ròng rã đến khi chịu đựng hết nổi vẫn chỉ có thể cứu được gần 2.000 cây mít giống, rất may là đối tác phía Hà Nội đã không khởi kiện bồi thường hợp đồng”, bà Bé kể.
“Lấy được tiền bán lô mít giống, chồng tôi quyết định thuê người khoan giếng sâu hơn 400m với giá 115 triệu đồng.
Nước trong vắt với độ mặn 0,2 ‰ nhưng nước đem lên nóng như nước sôi vậy, phải chứa trong bể hơn 12 giờ sau mới tưới cây được. Nhờ có nguồn nước này nên hàng ngày vợ chồng tôi tìm trong mớ cây giống đã bỏ đi để xem thân cây nào còn sống khúc gốc thì dưỡng lại để ghép bo (ghép mắt cây con vào gốc cây chủ). Làm thì làm vậy chứ không biết nước từ giếng khoan sâu này có an toàn cho cây giống không”, bà Bé cho hay.
Nước sông Vàm Mơn không dùng được nữa nên người dân phải mua nước từ các xe bồn với giá 130.000 đồng/m3 để tưới cây, sinh hoạt gia đình
|
Đi qua nhiều vườn cây lá rũ rượi, PV tìm thấy nhiều cây xanh mơn ở khu vườn 1,2 ha trồng sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Chiến (60 tuổi, ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa). Tuy nhiên, khi được vào bên trong thì mới hay hàng chục cây sầu riêng hơn 20 năm tuổi cũng đã chết khô, nhiều cây khác cũng vàng úa lá…
“Trước Tết, tôi có thủ sẵn nước trong mương vườn, xài được độ một tháng thì nước cạn khô. Tôi thuê khoan giếng 30m thì được nước trong, hơi chát. Bơm nước lên buổi sáng thì đến trưa đã ngã màu vàng đục và tôi dùng nước trà để thử thì hỗn hợp nước đen thui như mực tàu, nghĩa là nước có nồng độ kim loại chì rất nặng. Lúc này, cây đang cho trái và rất cần nước tưới… nên tôi mua 6 ghe nước ngọt tưới với giá 10 triệu rồi thấy cách mua nước như vậy là quá đáng”, ông Chiến kể.
Ông Nguyễn Văn Chiến (ngụ ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa) nghẹn ngào bên cây sầu riêng 20 năm tuổi đã chết khô, trong khi mới năm trước cây sầu riêng này cho trái bán được hơn 30 triệu đồng
|
Theo lời bàn của người em trai, ông Chiến hùn tiền để khoan giếng sâu gần 500 m. Nước bơm nước lên trắng xóa, độ mặn 0,25‰ nhưng nóng đến mức làm cong queo cả lớp bạc nhựa mà ông trải sẵn dưới lòng mương vườn.
Tay vịn vào góc sầu riêng hơn 20 năm tuổi đang rũ rượi mà mới năm ngoái cây này cho thu nhập hơn 30 triệu đồng cho gia đình, ông Chiến ưu tư: “Tầm ngày 10.4, Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre sẽ cho kết quả phân tích mẫu mà tôi đã mang đến thuê họ và để chắc ăn hơn, tôi cũng vừa mang mẫu tương tự đến Viện Pasteur TPHCM nhờ kiểm tra về sự an toàn đối với sức khỏe con người và tưới cây. Hiện tôi đã xuất hiện nỗi lo mới là tưới nước giếng rồi chất lượng trái sẽ ra sao, giá cả có khá lên không khi mà dịch Covid-19 vẫn cứ hoành hành, hơn tháng nữa là thu hoạch sầu riêng rồi”.
Tốn hơn 130 triệu đồng để khoan giếng sâu đến gần 500 m nhưng ông Chiến vẫn phải chờ kết quả phân tích mẫu từ Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, Viện Pasteur TPHCM mới dám tưới. Hơn 100/230 gốc sầu riêng trong khu vườn 1,2 ha của ông đã chết
|
Ngậm ngùi châm lửa “đốt tiền tỉ”
Chiều 5.4, PV phát hiện một đám lửa ngùn ngụt cháy giữa một khu vườn cây ăn trái rộng lớn khu vực xã Long Thới (tiếp giáp với xã Tân Thiềng). Đó là khu vườn chôm chôm đã 12 năm tuổi rộng 0,9 ha mà mới 4 tháng trước, gia đình ông Lê Đình Phúc (40 tuổi, ngụ xã Long Thới) đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để xử lý cho trái nghịch vụ.
Những gốc chôm chôm 12 năm tuổi bị cưa bỏ tại vườn nhà ông Lê Đình Phúc
ẢNH: BẮC BÌNH
Bông đang kết trái thì nước mặn hơn 3‰ lấn vào làm rụng sạch cuốn và rồi lá cây cũng vàng vọt rụng sau đó mấy hôm. Nếu không bị nước mặn tấn công thì mỗi vụ khu vườn này bán trái gần một tỉ đồng chứ đâu có ít”, anh Phúc bùi ngùi nói rồi tiếp tục mồi lửa vào các đám nhánh lá khô.
Giá trị duy nhất mà gia đình ông Phúc vớt vác được từ khu vườn chôm chôm đang ở “tuổi vàng” cho trái là 7 triệu đồng từ việc bán củi.
Tuy vậy, số tiền 7 triệu đồng này cũng “5 hồi 10 hiệp” mới về đến gia đình ông Phúc. Bởi, lái củi ở tận bên Vĩnh Long qua mua nhưng vì có nhiều nơi kêu bán củi nên thỉnh thoảng mới cho nhân công đến cưa vườn của ông Phúc. Cưa bao nhiêu trả tiền bây nhiêu.
Chuyện canh cánh bên lòng ông Phúc không phải số tiền 7 triệu đồng mà là sẽ trồng cây gì khi vụ mưa bắt đầu. Bao nhiêu thế hệ gia đình ông Phúc chỉ trồng cây ăn trái ở cái đất này, cây nào từng trồng cũng không chịu được độ mặn 0,5‰.
Trong lúc lửa cháy hừng hực, anh Lê Đình Phúc tranh thủ vác củi ra để bán vớt vác ít tiền dùng cho việc đầu tư trồng mới khi mưa xuống
|
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT Bến Tre chia sẻ rằng xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ kích hoạt làm tăng nhanh độ kiềm (phèn) trong đất. Việc này gây hệ quả lâu dài trên cây ăn trái vì nhà vườn không thể có đủ nước ngọt tưới mà rửa trôi nồng độ mặn, độ kiềm cho bộ rễ ngay lúc thiên tai xảy ra, trong khi việc này phải được thực hiện ngay khi bộ rễ bị nhiễm phèn, mặn mới có hiệu quả.
Sự ảnh hưởng do nồng độ kiềm, mặn luôn diễn ra chậm và chỉ rõ nhất vào thời điểm mưa xuống hoặc quan sát thông qua năng suất cây cho trái ở vụ tiếp theo. Trong khi đó, thời điểm thống kê, xác định mức độ thiệt hại đối với cây ăn trái cũng phải thực hiện ngay sau thiên tai xâm nhập mặn.
Bởi vậy, trên thực tế đã có hàng ngàn ha cây ăn trái trên địa tỉnh Bến Tre phải đốn bỏ sau đợt thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 nhưng nhà vườn đã không tiếp cận được với các chính sách dành cho cây trồng bị thiên tai do quy định là thiệt hại phải được nhìn thấy, xác định tỉ lệ rõ ràng.
Những khuôn mặt hiền lành, mộc mạc của cư dân miệt vườn đã trở nên thảng thốt, âu lo
|
Hiện nay, ven các cung đường quê Chợ Lách, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy nhiều vườn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cây con… khô lá.
Một số chủ tốn rất nhiều tiền để có được trái bán đúng vụ trong Tết Đoan Ngọ sắp tới nhưng họ cũng mất ăn mất ngủ vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hiện cánh thương lái không mua
|
Trong thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sử dụng trong gia đình nên các thương lái bán kiệu lại có một dịp “hốt bạc” vì hầu như nhà nào ở Chợ Lách cũng đang nỗ lực để có phương tiện chứa nước mưa
|
Hàng năm cư dân trên địa bàn huyện Chợ Lách sản xuất khoảng 40 triệu cây giống các loại và hơn 15 triệu sản phẩm hoa kiểng bán khắp thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó là gần 10.000 ha vườn đặc sản sầu riêng, măng cụt, chôm chôm. Huyện Chợ Lách có diện tích 168,04 km² và dân số là 147.289 người phân bố ở 11 xã và Thị trấn Chợ Lách. Hơn 95% hộ dân có kinh tế chính là làm vườn, ươm cây giống, nghệ nhân hoa kiểng, thương lái trái cây.
Những khuôn mặt hiền lành, mộc mạc của người dân miệt vườn miền Tây đã trở nên thảng thốt, âu lo về sinh kế trong thời gian sẽ dựa vào cây trồng gì. Nhưng, chắc chắn một điều là trước mắt họ cần sự thấu đáo trong cách đánh giá để áp dụng chính sách thiên tai từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền!
Ngồn:
|